Hỗ Trợ Tiền Học Cho Sinh Viên Sư Phạm
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm (Nghị định 116). Sau 2 năm học triển khai thực hiện Nghị định 116 đã đạt được kết quả nhất định như: Số lượng thí sinh và phụ huynh học sinh quan tâm tới các ngành đào tạo giáo viên tăng lên, tỷ lệ thí sinh đăng kí xét tuyển, điểm trúng tuyển và tỷ lệ thí sinh nhập học các ngành đào tạo giáo viên tăng mạnh tương quan với các ngành, lĩnh vực đào tạo khác, điều đó chứng tỏ các chính sách của Nghị định 116 đã có tác động tích cực tới việc thu hút học sinh có năng lực học tập tốt vào ngành đào tạo giáo viên, là tiền đề để nâng cao chất lượng của hệ thống giáo dục.
Vướng mắc từ việc phân bổ kinh phí hỗ trợ cho sinh viên sư phạm
Hằng năm, Bộ Tài chính chỉ giao khoảng 54% so với nhu cầu kinh phí cấp cho sinh viên sư phạm của các cơ sở đào tạo giáo viên thuộc Bộ GDĐT. Vì vậy, kinh phí cấp cho sinh viên sư phạm luôn chậm so với kế hoạch đào tạo dẫn đến khó khăn cho cơ sở đào tạo giáo viên và sinh viên sư phạm.
Do sự phát triển không đồng đều, điều kiện nguồn lực, chính sách tài chính giáo dục giữa các địa phương dẫn đến nhiều địa phương khó khăn không đủ kinh phí để triển khai thực hiện đặt hàng/giao nhiệm vụ/đấu thầu đào tạo giáo viên.
Tại Nghị định 116 giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan hướng dẫn, theo dõi và đôn đốc sinh viên sư phạm bồi hoàn kinh phí hỗ trợ nhưng không phải là đơn vị cấp kinh phí cho sinh viên sư phạm thuộc đối tượng đào tạo theo nhu cầu xã hội gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện.
Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trên và thực hiện những yêu cầu mới đặt ra, việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 116 là cần thiết và phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.
Khó khăn, vướng mắc từ phương thức đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu
Theo thống kê, tỉ lệ sinh viên được địa phương đặt hàng, giao nhiệm vụ chỉ chiếm 17,4% so với số sinh viên nhập học và chiếm 24,3% so với tổng số sinh viên đăng ký hưởng chính sách. Số địa phương thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu là 23/63 tỉnh, thành phố. Như vậy, số sinh viên thuộc diện "đào tạo theo nhu cầu xã hội" và được ngân sách nhà nước cấp (thông qua Bộ GD&ĐT) chiếm tỉ lệ 75,7% so với số sinh viên đăng ký hưởng chính sách và 82,6% so với số sinh viên nhập học. Như vậy, có thể nói phương thức đặt hàng/giao nhiệm vụ/đấu thầu đào tạo giáo viên không được triển khai ở mức độ, hiệu quả như quan điểm chủ đạo của Nghị định 116.
Có 06 cơ sở đào tạo đã được các địa phương sở tại, lân cận đặt hàng nhưng chưa chi trả kinh phí, hoặc mới trả kinh phí một phần rất nhỏ (trong đó có 02 trường trọng điểm: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 13 chỉ tiêu; Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh 51 chỉ tiêu) ảnh hưởng kinh phí đào tạo, kinh phí hỗ trợ cho sinh viên sư phạm và gây mất công bằng giữa các sinh viên sư phạm thực hiện theo cơ chế đặt hàng/ giao nhiệm vụ/ đấu thầu và sinh viên sư phạm đào tạo theo nhu cầu xã hội.
Các địa phương lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… có lợi thế về điều kiện thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao nên không thực hiện và chi trả kinh phí đặt hàng/giao nhiệm vụ/đấu thầu đào tạo giáo viên vẫn có đội ngũ giáo viên xin về làm việc gây mất công bằng giữa các địa phương với nhau.
Sửa đổi, bổ sung cơ chế thực hiện chính sách hỗ trợ cho sinh viên sư phạm
Theo Bộ GD&ĐT, Luật Giáo dục 2019 đã quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm, cụ thể, tại khoản 4 Điều 85 quy định: "Học sinh, sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học. Người được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt sau 02 năm kể từ khi tốt nghiệp nếu không công tác trong ngành giáo dục hoặc công tác không đủ thời gian quy định thì phải bồi hoàn khoản kinh phí mà Nhà nước đã hỗ trợ. Thời hạn hoàn trả tối đa bằng thời gian đào tạo".
Như vậy, các quy định về giao nhiệm vụ/đặt hàng/đấu thầu đào tạo sinh viên sư phạm chỉ là một trong các phương thức thực hiện để sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt. Tuy nhiên khi triển khai phương thức này đã bộc lộ khó khăn, hạn chế như nêu trên. Để đảm bảo hướng dẫn chi tiết quy định tại Điều 85 Luật Giáo dục 2019 và thực thi chính sách hỗ trợ kịp thời cho sinh viên sư phạm, Bộ GD&ĐT đề xuất nghiên cứu sửa đổi, bổ sung như sau:
Vẫn giữ phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng đào tạo sinh viên sư phạm, tuy nhiên quy định không bắt buộc các địa phương phải thực hiện, mà tùy theo điều kiện, nhu cầu của các địa phương thì tự đảm bảo kinh phí triển khai thực hiện đặt hàng, giao nhiệm vụ theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2020 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên (bỏ phương thức đấu thầu trong giáo dục đại học để phù hợp quy định của Nghị định 32). Quy định này sẽ đảm bảo:
Quy định rõ trách nhiệm ngân sách nhà nước (trung ương, địa phương) phải đảm bảo kinh phí chi trả chính sách hỗ trợ cho sinh viên sư phạm theo phân cấp ngân sách (CSĐT thuộc Bộ, ngành trung ương thì NSTW đảm bảo kinh phí; CSĐT thuộc các địa phương thì địa phương bố trí kinh phí thực hiện), tránh trường hợp các địa phương không bố trí kinh phí thực hiện.
Đảm bảo các sinh viên sư phạm sẽ được chi trả kinh phí theo đúng quy định của Luật Giáo dục 2019, không còn tình trạng sinh viên sư phạm không được hưởng hoặc chậm được hưởng chính sách hỗ trợ như hiện nay.
Đồng thời vẫn giải quyết được nhu cầu đặt hàng của các địa phương muốn đặt hàng tại các CSĐT của địa phương hoặc các CSĐT khác có chất lượng hơn theo nhu cầu của địa phương.
Bộ GD&ĐT cho biết, lý do đề nghị sửa đổi, bổ sung nhằm đảm bảo hướng dẫn chi tiết quy định tại Điều 85 Luật Giáo dục 2019, thực thi thống nhất chính sách, thực hiện hỗ trợ kịp thời cho sinh viên sư phạm.
Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.
Cơ quan chủ quản: Truyền hình Công an nhân dân
Chịu trách nhiệm nội dung: Đại tá Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Truyền hình CAND
Giấy phép số 96/GP - TTĐT, cấp ngày 03/5/2018
Mọi sao chép từ website này phải có sự chấp thuận bằng văn bản của ANTV.
Trụ sở Tòa soạn : Số 1 Lê Đức Thọ, Cầu Giấy, Hà Nội
Điện thoại: 0692324026 Fax: 0692348380
Ít nhất gần 4.000 sinh viên ở ba đại học sư phạm chưa nhận được hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí nửa năm qua, do vướng mắc về chính sách.
Hà Thanh là sinh viên năm thứ hai Đại học Sư phạm Hà Nội. Trúng tuyển vào trường năm ngoái, Thanh và gia đình đã ký cam kết làm trong ngành giáo dục 8 năm để được miễn học phí và nhận hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng sinh hoạt phí từ ngân sách, theo Nghị định 116 năm 2020 của Chính phủ.
"Đây cũng là điểm thu hút em đăng ký vào trường Sư phạm bởi gia đình không có điều kiện", Thanh nói. Tuy nhiên, sau đợt chi trả cho học kỳ I năm thứ nhất vào sát Tết Nguyên đán năm ngoái, Thanh chưa nhận được thêm khoản hỗ trợ nào.
Hồ Quân, sinh viên năm thứ hai ngành Sư phạm Ngữ văn, Đại học Sư phạm TP HCM và nhiều sinh viên khác của Đại học Sài Gòn phản ánh tương tự.
"Chúng em nhiều lần hỏi trường nhưng trường cũng nói đợi kinh phí từ cấp trên, không biết khi nào mới được chi trả", Quân nói, cho rằng việc này khiến em và nhiều bạn bè chật vật vì không có tiền sinh hoạt.
Bảy tháng chưa nhận được hỗ trợ, gia đình Quân và Thanh phải xoay xở vay mượn. Thanh còn phải làm thêm để có thu nhập đóng học phí và trang trải sinh hoạt.
Theo các trường, nguyên nhân tình trạng này do việc "đặt hàng" đào tạo theo Nghị định 116 từ các địa phương và phân bổ kinh phí còn nhiều vướng mắc.
Sinh viên đăng ký vào các câu lạc bộ, hồi tháng 11. Ảnh: Ký túc xá Đại học Sư phạm TP HCM
Theo Nghị định 116, từ năm 2021, sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ 100% tiền đóng học phí cùng 3,63 triệu đồng/tháng chi phí sinh hoạt. Kinh phí này từ ngân sách của các địa phương, bộ, ngành, thông qua hình thức đặt hàng với các trường. Số chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm hàng năm do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.
Thực tế, dù tỉnh nào cũng kêu thiếu, nhưng hồi tháng 8, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết chỉ có 23/63 địa phương "đặt hàng" đào tạo giáo viên, tỷ lệ sinh viên được hỗ trợ qua diện này chiếm 24,3% so với tổng số sinh viên đăng ký hưởng chính sách. Hơn 75% số còn lại được ngân sách nhà nước hỗ trợ thông qua Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Các địa phương không mặn mà "đặt hàng" do chính sách này quy định sinh viên sau khi tốt nghiệp phải công tác trong ngành giáo dục, nếu không phải bồi hoàn kinh phí. Tuy nhiên, không có cơ chế ràng buộc nào giữa các thí sinh này với địa phương chi tiền hỗ trợ. Ngoài ra, kể cả quay về, sinh viên vẫn phải thi tuyển viên chức theo các quy định của Bộ Nội vụ và chưa chắc trúng tuyển.
Đại diện Đại học Sài Gòn cho biết có gần 1.600 sinh viên trong ba khóa đăng ký hưởng chính sách theo Nghị định 116. Ở mỗi khóa, trường đều gửi thông tin đến UBND, Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành nhưng hầu hết không phản hồi.
Hiếm hoi, năm 2021, chỉ Long An và Ninh Thuận thông báo đặt hàng 34 sinh viên. Các em này đã được chi trả học phí và sinh hoạt phí đợt 1 và sắp được trả đợt 2. Với số còn lại, nhà trường gửi đơn vị chủ quản là UBND TP HCM, đề nghị giải quyết hỗ trợ song chưa có kết quả.
"Cả ba năm qua, chúng tôi đều làm đúng quy trình nhưng hiện hơn 1.500 sinh viên chưa được nhận hỗ trợ", đại diện Đại học Sài Gòn nói.
Là trường thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại học Sư phạm TP HCM cho biết khoảng 2.450 sinh viên khóa 2021 và 2022 cũng chưa được nhận 6, 7 tháng tiền hỗ trợ sinh hoạt phí. Tổng số tiền là gần 60 tỷ đồng.
Đại học Sư phạm Hà Nội không thông tin cụ thể số tiền chưa được chi trả. Tuy nhiên, sinh viên cũng bị nợ học phí từ học kỳ II của năm ngoái đến nay.
Theo các trường, có địa phương đặt hàng nhưng chưa chi trả kinh phí hoặc mới chi trả một phần rất nhỏ. Với những trường thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, sinh viên luôn bị cấp kinh phí chậm so với kế hoạch đào tạo.
Hiện, các trường làm nhiều cách để hỗ trợ sinh viên. Như tại Đại học Sài Gòn, trường hoãn thu học phí để các em giảm bớt áp lực, đồng thời tiếp tục đề xuất đến cơ quan chủ quản.
GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội, cho biết phải làm công tác tư tưởng, động viên sinh viên qua nhiều kênh để các em chia sẻ với khó khăn chung.
"Với sinh viên diện chính sách, đặc biệt khó khăn, nhà trường sử dụng nguồn lực ít ỏi để hỗ trợ trước một phần", ông Minh nói. Trường Đại học Quy Nhơn cũng nói đang tạm ứng kinh phí để chi trả một phần hỗ trợ cho sinh viên.
Theo ông Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết có thể rót kinh phí hỗ trợ vào tuần tới. Khi có tiền, trường sẽ lập tức chi trả cho sinh viên. Đại học Sư phạm TP HCM cũng chuẩn bị sẵn các quyết định hỗ trợ để chi trả ngay khi kinh phí rót về.