Hiệu ứng kinh tế quy mô (economies of scale) được Wright (1936) phát triển áp dụng vào lĩnh vực sản xuất trên cơ sở hiệu ứng đường cong kinh nghiệm hay học hỏi (experience / learning curve) của Ebbinghaus (1885). Hiệu ứng kinh tế quy mô phản ánh chi phí của một đơn vị sản phẩm hay dịch vụ sản xuất giảm đi khi số lượng sản xuất tăng lên.

Hiệu quả của tính kinh tế theo quy mô

Một điểm quan trọng khi nói về tính kinh tế theo quy mô là chi phí cố định. Chúng ta đều biết ngành hàng không là một trong những ngành có chi phí cố định cao nhất hiện nay. Giả sử một hãng hàng không đầu tư 20 triệu USD cho một phi cơ mới. Nếu họ chỉ phục vụ 1 khách hàng duy nhất, tiền vé sẽ phải bao gồm toàn bộ 20 triệu USD này. Tuy nhiên, nếu như họ phục vụ 1 triệu khách hàng, mỗi khách hàng sẽ chỉ phải trả 20 USD tiền vé máy bay mà thôi.

Các yếu tố thúc đẩy tính kinh tế theo quy mô

Doanh nghiệp có thể hạ thấp chi phí bằng cách thu mua nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất theo số lượng lớn hoặc mua từ các nhà bán buôn.

Doanh nghiệp có thể cắt giảm chi phí bình quân bằng cách nâng cao chất lượng bộ máy quản trị trong doanh nghiệp - thuê nhân sự dày dặn kinh nghiệm hoặc sở hữu chuyên môn cao cho các vị trí quản lý.

Một sự vượt trội về công nghệ có thể đem lại biến chuyển to lớn cho quá trình sản xuất của doanh nghiệp, như cách mà công nghệ fracking đã làm thay đổi hoàn toàn nền công nghiệp dầu khí một vài năm trước. Mặc dù vậy, đáng tiếc rằng chỉ những doanh nghiệp dầu khí lớn mới có khả năng đầu tư vào các thiết bị fracking đắt tiền để tận dụng lợi thế từ tính kinh tế theo quy mô.

Hạn chế của tính kinh tế theo quy mô

Mô hình bếp nhà hàng thường được sử dụng để miêu tả hạn chế của tính kinh tế theo quy mô: Càng nhiều đầu bếp trong một căn phòng nhỏ thì mọi thứ càng trở nên rắc rối. Tình trạng này diễn tả tính phi kinh tế theo quy mô (diseconomies of scale).

Dưới đây là biểu đồ hình chữ U thể hiện tính phi kinh tế theo quy mô. Đây là hiện tượng xảy ra khi chi phí tăng theo sản lượng đầu ra.

Nhìn vào biểu đồ này, bạn có thể thấy bất cứ mức sản lượng nào lớn hơn Q2 sẽ dẫn đến sự tăng lên của chi phí trung bình. Đây là khi doanh nghiệp gặp phải tính phi kinh tế theo quy mô.

Như vậy, chúng ta đã tìm được câu trả lời cho câu hỏi ‘Tính kinh tế theo quy mô là gì?’ và các thắc mắc khác xoay quanh tính kinh tế theo quy mô (economies of scale). Hy vọng bài viết đã giúp bạn nắm chắc khái niệm về economies of scale, diseconomies of scale, cũng như các yếu tố khác liên quan.

Cảm ơn bạn đọc và hẹn gặp bạn trong các bài viết tiếp theo!

Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới thường niên lần thứ 14 (World Economic League Table) của Trung tâm tư vấn CEBR (Anh) vừa công bố đánh giá VN là nền kinh tế lớn thứ 34 năm 2023 với quy mô GDP 434 tỉ USD. Vị trí này dự kiến có thể tăng nhanh, đạt thứ 24 vào năm 2033 và sau đó trở thành nền kinh tế lớn thứ 21 thế giới vào năm 2038 với quy mô GDP lên đến 1.559 tỉ USD. Với ưu thế dân số đông và trẻ, VN có cơ hội vượt qua gần hết các nước trong ASEAN về kinh tế như Singapore, Thái Lan hay Malaysia, và trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.

CEBR nhận định: VN tăng trưởng mạnh, lạm phát duy trì ở mức thấp, tức là chưa phải đánh đổi giữa tăng trưởng và lạm phát như nhiều quốc gia khác. Mức tăng giá tiêu dùng năm 2023 cũng thấp hơn tỷ lệ lạm phát trung bình 10 năm, là 3,8%. Điều này tạo dư địa trong chính sách điều hành tiền tệ của VN. Cùng đó, tỷ lệ thất nghiệp giảm trong năm ngoái giúp thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng; tỷ lệ nợ Chính phủ năm 2023 dự kiến 35% GDP, giảm khoảng 1,3 điểm phần trăm so với 2022.

Sản xuất tại Công ty TNHH ĐiệnTử Meiko Việt Nam (Hà Nội) - vốn Nhật Bản

VN cũng được hưởng lợi từ sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu. Tỷ trọng hàng Việt xuất sang Mỹ tăng gần 2% từ khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang vào năm 2018. Điều này cũng được bổ sung bởi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mạnh mẽ từ các nền kinh tế châu Á khác, bao gồm cả Trung Quốc. Điều này có thể đưa VN đạt được mục tiêu đề ra là trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.

Trước đó, tháng 10.2023, báo cáo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra dự báo GDP của VN sẽ tăng trưởng 5,8% trong năm 2024, nằm trong nhóm 20 nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới. Giới chuyên gia IMF bày tỏ lạc quan về triển vọng trong trung hạn, với mức dự báo tăng trưởng GDP sẽ đạt 6,9% vào năm 2025. Báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng dự báo mức tăng trưởng GDP của VN lên 5,5% vào năm 2024 và 6% vào năm 2025. Các chính sách hỗ trợ nhu cầu ngắn hạn, dỡ bỏ các rào cản trong việc thực hiện đầu tư công và giải quyết các hạn chế về cơ sở hạ tầng có thể giúp nền kinh tế đạt được các mục tiêu này và thúc đẩy tăng trưởng dài hạn. Ngân hàng Thế giới cho rằng môi trường bên ngoài đầy thách thức và nhu cầu trong nước yếu hơn đang khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế ở VN chậm lại. Tuy nhiên, nền kinh tế sẽ tăng tốc trong những năm tiếp theo.

Sản xuất tại Công ty TNHH INOAC Việt Nam (Nhật Bản tại KCN Quang Minh, Mê Linh, Hà Nộ

Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Nguyễn Thường Lạng (Đại học Kinh tế Quốc dân), nhận xét VN đang có nhiều lợi thế để có triển vọng kinh tế tốt hơn và thậm chí có thể có thứ hạng cao hơn theo dự báo của bảng xếp hạng CEBR công bố vì một số lý do sau. Thứ nhất là có cơ hội lớn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đặc biệt, nếu ngành công nghiệp bán dẫn thành công theo chiến lược đề ra, các lĩnh vực số bứt phá, tận dụng triệt để thành tựu công nghệ và áp dụng đồng bộ…; chắc chắn quy mô nền kinh tế VN sớm vượt mốc ngàn tỉ USD. Thứ hai, bên cạnh tiềm năng về ngành công nghiệp bán dẫn, nông nghiệp vẫn là mảng mà VN đang có thế mạnh. Trong khó khăn như năm 2023, xuất khẩu nông thủy sản đã có bứt phá ngoạn mục, góp phần quan trọng trong kim ngạch xuất khẩu. Đáng lưu ý, VN đang hướng đến chiến lược phát triển nông nghiệp công nghệ cao, một ngành từng đưa nền kinh tế tại các quốc gia phát triển lên đỉnh cao trong thế kỷ trước và giá trị của nó đến nay vẫn còn nguyên vẹn. VN là quốc gia đi sau, đang phát triển, xu hướng toàn cầu có thể khác, hướng đến nông nghiệp xanh, thân thiện môi trường… Nếu song song phát triển công nghiệp bán dẫn, VN chú trọng đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sẽ tạo thế vững chãi cho nền kinh tế, tạo thế mạnh, cạnh tranh với khu vực châu Á và nhiều nước đang phát triển toàn cầu.

Quy mô nền kinh tế VN lần đầu tiên được ghi nhận đạt mốc 400 tỉ USD vào cuối năm 2022, tăng hơn 10 lần so với năm 2000. Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, kết thúc năm 2023, GDP cả nước tăng 5,05% so với năm trước với quy mô theo giá hiện hành đạt hơn 10,22 triệu tỉ đồng, tương đương 430 tỉ USD. GDP bình quân đầu người năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 101,9 triệu đồng/người, tương đương 4.284,5 USD, tăng 160 USD so với năm 2022. Năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 199,3 triệu đồng/lao động (tương đương 8.380 USD/lao động, tăng 274 USD so với năm 2022); theo giá so sánh, năng suất lao động tăng 3,65% do trình độ của người lao động được cải thiện (tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ năm 2023 ước đạt 27%, cao hơn 0,6 điểm phần trăm so với năm 2022).

Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã chọn Việt Nam làm nơi sản xuất

Theo GS-TS Nguyễn Mạnh Quân, Viện trưởng Viện nghiên cứu doanh nghiệp, VN có thể hoàn toàn trở thành quốc gia có thu nhập cao trong 10 - 15 năm tới nếu cải tiến mạnh mẽ thể chế và năng suất lao động. Ông Quân phân tích, các dự báo về tăng trưởng kinh tế của VN từ các tổ chức nghiên cứu, khảo sát trên thế giới đa số rất khả quan. Chúng ta cần xem đó là động lực để tăng tốc điều chỉnh chính sách, thể chế để đạt được, chứ không phải nghe rồi để đó. Trong bối cảnh thế giới còn quá nhiều biến động, nền kinh tế VN vẫn giữ được sự ổn định về an ninh, kiềm chế được lạm phát, số doanh nghiệp (DN) mới tăng trở lại, thu hút vốn FDI, đầu tư tư nhân tăng… là các tín hiệu cực kỳ tích cực. VN cần có đánh giá mức độ tăng trưởng bao nhiêu, định lượng rõ hơn để tăng tốc phục hồi chứ không thể "đủng đỉnh" mà gặt hái thành quả được. Quan trọng hơn, để tiến đến vị thế quốc gia có thu nhập cao, quan trọng nhất lúc này là năng suất lao động. VN luôn bị nhận xét kém tích cực về năng suất lao động, trong khi một trong các yếu tố giúp tăng trưởng là năng suất và hiệu suất lao động.

Một hoạt động triển lãm công nghệ

"Khái niệm năng suất lao động nay đã khác nhiều. Không phải năng suất cá nhân, mà là năng suất tập thể. Đó là khả năng hợp tác, hiệu quả của sự hợp tác theo chuỗi, theo nhóm, nhấn mạnh đến hiệu ứng hài hòa, nhịp nhàng, đồng bộ. Như vậy, chính DN tạo ra năng suất lao động, năng suất cho nền kinh tế thông qua đầu tư con người, máy móc tốt, tận dụng tối đa công nghệ, năng suất, hiệu quả công việc tăng. Thế nên, chính DN là đối tượng hấp thụ chính sách nhanh, tiêu hóa chính sách tốt nhất để thúc đẩy tăng trưởng, đẩy mạnh thu nhập", ông Quân dẫn giải và nhấn mạnh: VN cần tiếp tục chú trọng đào tạo nguồn nhân lực trong các lĩnh vực công nghệ, công nghiệp. Hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vẫn đang rất cần nguồn lao động có chuyên môn cao, khả năng tiếp cận công nghệ nhanh. Dẫn ví dụ về chiến lược phát triển công nghệ bán dẫn được Chính phủ đưa ra trong năm qua khá quyết liệt, chuyên gia này cho rằng, phát triển chíp là cơ hội lớn cho VN, giúp tăng đột biến thu nhập, nếu thành công. Công nghệ bán dẫn tóm tắt chủ yếu ở 3 khâu: thiết kế, chế tạo và đóng gói. VN đang ở khâu đóng gói và có chế tạo. Khả năng thiết kế hoàn toàn thực hiện được, nhưng đào tạo nguồn nhân lực lớn lúc này đang được một số trường đại học triển khai thực hiện và mọi thứ còn khá mới mẻ. Thậm chí, một trường chuyên đầu tư bán dẫn cũng chưa có.

"Chíp là cơ hội cực lớn đưa VN lên là quốc gia có thu nhập cao sớm hơn dự báo, nhưng chíp cũng tạo thách thức lớn cho VN trong giai đoạn tới. Muốn tạo ra đột phá, phải có tiêu chí mới, cách làm mới, tư duy mới, phải mạnh dạn bỏ cách tư duy phương pháp cũ trong đào tạo đại học…", GS-TS Nguyễn Mạnh Quân nhấn mạnh.

Các chuyên gia cũng lưu ý trong vòng 10-15 năm tới, dự báo kinh tế VN có bước nhảy vọt nhờ yếu tố dân số vàng. Tuy vậy, theo thống kê về cơ cấu dân số thì đến năm 2036, VN sẽ qua thời kỳ dân số vàng và bắt đầu đối diện với già hóa dân số. Thế nên, muốn tận dụng tốt thời kỳ "dân số vàng" và kể cả có giải pháp ứng phó kịp thời thời kỳ "dân số già", cần phải tập trung quyết liệt vào việc nâng cao chất lượng dân số. Trong đó, đầu tư cho y tế, giáo dục và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để tránh nguy cơ lãng phí thời kỳ cơ cấu dân số vàng là rất quan trọng. Chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển phân tích: Năm vừa qua VN rất thành công về nông nghiệp. Lúa gạo, cà phê đều được mùa, giá cao và năng suất của nhiều lĩnh vực đã lên cao. Tuy nhiên, thu nhập của người nông dân cũng không thể tăng cao. Mẫu số chung của nhiều nước có thu nhập bình quân đầu người cao (bỏ qua lợi thế về tài nguyên) nằm ở một số vấn đề. Đó là đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ, tôn trọng bản quyền tác giả. Kế đến là đảm bảo môi trường kinh doanh công bằng, mang tính cạnh tranh lành mạnh, chống gian lận thương mại. Từ đó các hoạt động nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp sẽ phát triển mạnh hơn; tạo ra được nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao, cạnh tranh được với thế giới. Khi sản phẩm được thương mại, bán ra cho nhiều nước thì quy mô các DN mở rộng, thu nhập người lao động sẽ tăng.

"Nguồn nhân lực của VN vẫn được đánh giá cao. Chất lượng đào tạo của các trường học vẫn tốt. Điều quan trọng là phải có môi trường khuyến khích, trong đó đảm bảo được quyền sở hữu trí tuệ để nhiều nghiên cứu phát triển được thành sản phẩm thương mại. Từ đó VN mới có thêm nhiều sản phẩm công nghệ, có giá trị gia tăng cao hơn những sản phẩm xuất khẩu truyền thống hiện nay. Giá trị gia tăng cao sẽ góp phần đưa quy mô nền kinh tế và thu nhập bình quân người lao động được cải thiện mạnh, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình thấp", TS Đinh Thế Hiển nói.

Còn PGS.TS Nguyễn Thường Lạng nhấn mạnh: "Muốn đạt được các thành tựu trên, phát triển nội lực mạnh là rất quan trọng. Để quy mô nền kinh tế tiến đến ngàn tỉ USD, VN chú trọng hiện đại hóa hạ tầng giao thông, đầu tư công phải được đẩy mạnh và nhanh hơn nữa. Năm qua, kinh tế VN không bị lao đao một phần nhờ tăng tốc đầu tư công. Để phát triển nội lực, những yếu tố vĩ mô cần chú trọng là cải cách hành chính, đẩy mạnh đầu tư công và tư; chú trọng đào tạo, tăng năng suất lao động".

Có quy mô GDP tương đồng, song dân số Việt Nam gấp 20 lần tiểu bang Nam Carolina.

Mỹ hiện là nền kinh tế lớn nhất thế giới, đến mức 50 tiểu bang của nước này có thể so sánh với quy mô kinh tế của các quốc gia khác. Để minh họa cho điều này, trang phân tích dữ liệu Howmuch.net đã sử dụng thống kê GDP quốc gia từ Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Cục phân tích kinh tế Mỹ (BEA) để biểu thị cho quy mô, tính theo GDP của mỗi tiểu bang Mỹ so với các nước.

Bản đồ thể hiện quy mô kinh tế tiểu bang Mỹ với các quốc gia trên thế giới. Nguồn: Howmuch

Việt Nam, với tổng sản phẩm trong nước (GDP) hơn 186 tỷ USD vào năm ngoái được so sánh tương ứng với bang Nam Carolina, có quy mô 190 tỷ USD, xếp thứ 27 về độ giàu có tại Mỹ. Đây là một bang thuộc bờ đông nước này, có diện tích hơn 82.000km2 và dân số hơn 4,6 triệu người, tính đến hết năm 2014. So sánh với Việt Nam, tuy có GDP gần như tương đồng, song diện tích của Nam Carolina chỉ bằng một phần tư và dân số bằng một phần hai mươi.

California và Texas - hai bang mạnh nhất về kinh tế của xứ sở cờ hoa, với quy mô GDP tương đương với Brazil và Canada, lần lượt xếp thứ 8 và thứ 10 trong số những nền kinh tế lớn nhất thế giới. Bất chấp dân số chỉ bằng một nửa, New York có quy mô bằng Tây Ban Nha. GDP các tiểu bang khác như Florida, Illinois và New Jersey ngang ngửa các quốc gia giàu mạnh như Hà Lan, Thụy Sĩ và Thụy Điển.

10 tiểu bang có GDP lớn nhất nước MỹĐơn vị: tỷ USD

GDP của Ohio, với dân số 11,6 triệu người tương đương với Nigeria, một nước đang phát triển nhanh với dân số 173,6 triệu người.

Một số các bang nhỏ hơn như North Dakota, Đảo Rhode, South Dakota, Montana, và Vermont tương đương với các quốc gia nhỏ đang phát triển ở châu Mỹ và Mỹ Latin như Ethiopia, Uganda, Zambia, Panama, Tanzania và Paraguay.

Trong khi mối quan hệ giữa GDP các nước và và tiểu bang tại Mỹ có thể thay đổi theo thời gian, nhưng trong ngắn hạn, kết quả so sánh này vẫn tồn tại. IMF dự báo từ nay đến năm 2020, GDP của Mỹ sẽ tăng từ 5.100 tỷ USD lên 22.500 tỷ USD, doãng rộng khoảng cách so với các nước khác, vốn có mức tăng khiêm tốn, ngoại trừ Trung Quốc dự báo sẽ tăng khoảng 5.800 tỷ USD. Điều này có nghĩa rằng Mỹ và các tiểu bang của mình sẽ tiếp tục thống trị các phần còn lại của thế giới về quy mô kinh tế.